A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tản mạn về bảo tàng

Một trong những hoạt động giải trí được tôn vinh nhất hiện nay là thăm thú các bảo tàng. Việc này được thực hiện bằng việc bạn đứng chờ trước một quầy vé, hoặc mua vé tại các quầy tự động hoặc đơn giản hơn là một cú nhấp chuột từ nhà. Động tác đơn giản ấy mở ra cho chúng ta cả một thế giới kì thú với những hiện vật, câu chuyện, đoạn video hay cảm giác khó quên. Không chỉ đem lại sự thích thú cho người xem, bảo tàng còn là niềm tự hào của một cộng đồng, một thành phố hay của cả một quốc gia.

 

Tản mạn về bảo tàng

 

Một trong những hoạt động giải trí được tôn vinh nhất hiện nay là thăm thú các bảo tàng. Việc này được thực hiện bằng việc bạn đứng chờ trước một quầy vé, hoặc mua vé tại các quầy tự động hoặc đơn giản hơn là một cú nhấp chuột từ nhà. Động tác đơn giản ấy mở ra cho chúng ta cả một thế giới kì thú với những hiện vật, câu chuyện, đoạn video hay cảm giác khó quên. Không chỉ đem lại sự thích thú cho người xem, bảo tàng còn là niềm tự hào của một cộng đồng, một thành phố hay của cả một quốc gia.

 

Bảo tàng trong quá khứ

Việc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị theo chủ đề hoặc một đặc điểm nhất định về  thời gian, phong cách hay chất liệu đã có từ xa xưa tại Hy Lạp và Trung Quốc. Từ ‘‘bảo tàng’’ trong tiếng Pháp, Anh có nguồn gốc Hy Lạp dùng để chỉ một ngôi đền tôn vinh những vị thần nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, nơi người ta đến nghiên cứu về nghệ thuật. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Ptolémée đã cho thành lập vào năm 208 trước công nguyên một viện nghiên cứu triết học và nghệ thuật tại thành phố Alexandria. Như vậy, người Hy Lạp đã thành những viện bảo tàng đầu tiên đã được thành lập ở Athenes và Alexandria hàng trăm năm trước công nguyên. Sau này, khái niệm được mở rộng dành cho những nơi có bộ sưu tập nghệ thuật thuộc về một cá nhân và việc công chúng có được vào xem hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích của chủ nhân bộ sưu tập hoặc đơn giản là người gác cổng bảo tàng.

Bảo tàng mở cửa chính thức dành cho công chúng xuất hiện vào thời Phục Hưng, năm 1471 khi giáo hoàng Sixte đệ tứ tặng cho dân thành Roma một bộ sưu tập lớn các tác phẩm điêu khắc nhưng phải đợi tới thế kỷ 17 thì việc công chúng (trung lưu và thượng lưu) được vào thăm các bảo tàng mới trở nên phổ biến. Công chúng nhanh chóng say sưa với loại hình giải trí-giáo dục mới này đến mức có những nơi, người ta phải đăng kí trước hai tuần để có thể vào thăm bảo tàng.

 

Bảo tàng ngày nay

            Ngày nay, không có quốc gia nào không có bảo tàng và việc vào thăm đã trở nên đơn giản. Người xem có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, nghiên cứu một trận đánh, tìm hiểu một chu trình sản xuất, chiêm ngưỡng những bức tượng người bằng sáp…và vô vàn các chủ đề trưng bày khác. Bảo tàng không chỉ còn là nơi để học tập, giải trí mà còn là nơi gặp gỡ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật văn hóa hay mang về những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa, những công trình nghiên cứu không thể mua ở hiệu sách thông thường. Có những quốc gia mà thu hút được một triệu khách du lịch 1 năm đã là một cái ngưỡng khó vượt qua thì với những bảo tàng nằm trong top 10 bảo tàng hàng đầu thế giới, hai triệu lượt thăm quan chỉ là ‘‘chuyện nhỏ’’ (có tới 42 trong số 50 bảo tàng được thăm quan nhiều nhất trên thế giới đã đón hơn 1 triệu lượt người). Dẫn đầu thế giới về số lượng người thăm quan từ nhiều năm nay vẫn là Louvre (Pháp). Thánh đường nghệ thuật cổ đại thế giới nơi lưu giữ tượng thần Venus, tranh vẽ nàng Mona Lisa đã thu hút được 8,5 triệu khác trong suốt 3 năm liên tiếp. Các bảo tàng còn lại cũng đều được liệt vào danh sách những nơi bạn nên đến ít nhất một lần đó là : British Museum - Anh Quốc, Metropolitan Museum of Art – Hoa Kỳ, National Gallery–Anh Quốc,Tate Modern – Anh Quốc, National Gallery of Art - Hoa Kỳ, Centre Pompidou– Pháp, Musée d’Orsay- Pháp, Museo Nacional del Prado – Tây Ba Nha, và National Museum of Korea – Hàn Quốc. Chính tại những nơi này mà tinh hoa nghệ thuật và văn hóa của cả thế giới được lưu giữ và trưng bày cho ngày nay và cả mai sau.

 

Cho đến những bảo tàng kì lạ nhất

Trí tưởng tượng của con người thật không có giới hạn và những bảo tàng kì lạ nhất chính là minh chứng sống động cho việc ấy. Người ta thống kê trong số hơn mười  nghìn bảo tàng có đăng kí tại Pháp đã có tới gần một nghìn bảo tàng được xếp hạng ‘‘kì lạ’’. Bạn đã bao giờ tưởng tượng một ngày kia mình sẽ xếp hàng để vào thăm bảo tàng ốc sên hay bát đĩa vỡ, bảo tàng dị tật, bảo tàng xe đám ma, bảo tàng nắp cống…ở Pháp thay vì đến với Louvre hay bảo tàng Orsay? Dường như niềm đam mê những điều vượt ra khỏi những ý  nghĩ thông thường về bảo tàng đã cuốn hút con người ở mọi châu lục. Niềm đam mê ấy hiện diện ở Bỉ với bảo tàng quần lót, bảo tàng xúc xích ở Đức, bảo tàng bao cao su, bảo tàng thuốc phiện ở Thái Lan, bảo tàng toi lét ở Ấn Độ. Không chỉ có những bảo tàng kì lạ về những hiện vật theo một chủ đề nào đó, một khái niệm, một sự kiện cũng có thể được dựng thành một bảo tàng. Chính vì thế bạn có thể thăm bảo tàng về sự đứt gẫy sắc tộc ở Croatia, bảo tàng về vụ mưu sát tổng thống Kennedy, bảo tàng những người nói tiếng bụng ở Mỹ, bảo tàng kí sinh trùng trên người ở Nhật, bảo tàng trại tập trung Auschwitz tại Ba Lan…

 

Nếu trong vòng 2 năm qua bạn chưa thăm một bảo tàng nào thì bây giờ chính là lúc bạn ‘‘cho’’ các bảo tàng 1 cơ hội chinh phục mình. Hãy tận hưởng niểm vui ấy, tại sao không?

 

Hà Nội, 21 tháng 2 năm 2011

 

Nguyễn Đình Thành


Tags: 241
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan